Lăng mộ Lê Văn Miến

Lăng mộ Lê Văn Miến

Thôn An Thôn, xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

Lê Văn Miến (1874 – 1943) là con trai thứ ba của cụ Lê Huy Nghiêm. Lúc lên 6 tuổi, cuộc đời Lê Văn Miến đã phải trải qua bước ngoặt mới: cụ Lê Huy Nghiêm được bổ làm quan Huấn đạo huyện Quảng Điền, Lê Văn Miến đã theo thân phụ để học chữ Hán. Đây là dịp để Lê Văn Miến được mở rộng tầm mắt, được viếng thăm nhiều cảnh đẹp ở những vùng quê khác nhau và sớm hiểu được sự an nguy của đất nước, những mối lo toan của những con người có nghĩa khí vào thời triều Nguyễn suy vong.

Năm 1883, khi thân phụ Lê văn Miến chuyển vào làm Tri huyện Phú Lộc, những buổi được “hầu trà” nghe cụ Phan Đình Phùng tâm sự với cha mình, Lê văn Miến đã hiểu thân phận kẻ làm quan một nước thuộc địa là như thế nào. Sau đó không lâu, Lê văn Miến ngược đường ra Bắc, theo cụ Tú Nghiêm ra làm tri phủ Ứng Hòa (Hà Đông) rồi Án sát tỉnh Sơn Tây.

Năm 1888, nhằm đào tạo những quan chức cao cấp, thực dân Pháp cho tuyển mộ số thanh niên đưa sang học trường thuộc địa Escole Coloniale ở Paris, trong đó có Lê văn Miến. Tuy là người nhỏ tuổi nhưng sớm đã tỏ rõ khí phách không khuất phục trước cường quyền, đã từng lãnh đạo học sinh các xứ thuộc địa bãi khóa, đấu tranh. Anh tự viết và ký tên vào những lá đơn tố cáo, khiếu nại khi thầy Hiệu trưởng có thái độ kỳ thị chủng tộc và thiên vị học sinh người Pháp.

Với suy nghĩ và chí hướng của mình, sau khi tốt nghiệp, Lê Văn Miến đã không chịu về nước làm quan như Thân Trọng Huề và Hoàng Trọng Phu. Ông đã ở lại theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris và đã đạt được thành tích học tập nổi trội dù bị Hiệu trưởng đối xử khắt khe, có ý làm anh nản lòng.

Trở về với hai tấm bằng giá trị những Lê văn Miến đã rất lúng túng trong việc tìm con đường đi chính đáng, có ích cho cuộc đời mình. Những năm 1898 – 1896, Lê Văn Miến làm thuê tại nhà in Seheider, đây là cơ sở in đầu tiên do Pháp xây dựng tại Hà Nội. Với chức năng là người họa sĩ, Lê Văn Miến phụ trách phần trình bày, minh họa sách báo in.

Năm 1889, Lê văn Miến đã được gặp Đào Tấn (đỗ cử nhân năm 1868) và ông được mời về làm Thư ký cho Đào Tấn. Có thể nói đến thời điểm này ông mới tìm được người tri kỉ để gửi gắm ước nguyện

Năm 1899, trường Pháp Việt được thành lập ở Vinh và Lê văn Miến được cử làm Đốc giáo (Hiệu trưởng). Đến năm 1902, ông được cử giữ chức Thượng Thư Bộ Công đưa vào làm Hành Tẩu Bộ Công (một chức quan nhỏ) dưới quyền của Đào Tấn. Đây là dịp Lê Văn Miến sử dụng kiến thức hội họa học được ở Pháp góp phần vào những công trình kiến trúc, nghệ thuật ở trong hoàng cung. “Với chức vụ ấy, cụ Miến đã vẽ nhiều tranh và bản đồ trong phủ nội trong ấy có những mẫu súng mà Thành Thái muốn đúc.”

Từ 1904 – 1907, Lê văn Miến trở ra Vinh làm Đốc giáo trường Pháp Việt lần thứ 2. Đây là ý đồ nhằm chia rẽ bộ ba Thành Thái, Đào Tấn, Lê Văn Miến của thực dân Pháp. Song ngược lại, đây là dịp để ông giao lưu với nhiều chí sĩ yêu nước nổi tiếng trong phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục như Nguyễn Đức Kế, Phó Bảng Đặng Nguyên Cẩn, Lê Văn Thuận.

Từ sau 1907, cụ Lê Văn Miến bị điều vào Huế dạy vẽ và Pháp văn tại trường Quốc Học từ niên khóa 1907 – 1908 cho đến 1913. Trong số học trò của thầy Miến giai đoạn này có nhân vật đặc biệt là Nguyễn Tất Thành – tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này.

Vào năm Duy Tân thứ 8 (1913), Trường Hậu Bổ được thiết lập ở Huế (nay là vị trí rạp Hưng Đạo), Lê Văn Miến được đề bạt làm Trợ giáo và được thăng hàm “Hàn Lâm viện Thị Giảng”. Sau 10 năm, ông được thăng Phó Đốc giáo, đến năm 1919 được cử làm Đốc giáo (Hiệu trưởng), Thăng Hồng Lê Tự Khanh và được tặng Hàn Lâm bội tinh

Từ 1921 – 1928, cụ Miến giữ chức Tế Tửu trường Quốc Tử Giám (vị trí bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên Huế hiện đang sử dụng). Chức quyền và danh vọng không làm cụ Miến thay đổi chính kiến cũng như cách sống của mình. Cụ vẫn luôn thể hiện tình cảm và sẵn lòng giúp đỡ những người cách mạng yêu nước.

Trong những năm cuối đời, cụ Miến bị mù lòa và những khi có bạn bè, con cháu, học trò đến thăm đọc sách báo cho nghe là lúc cụ được an ủi nhất. Sức khỏe cụ ngày một yếu đi và đến ngày 6.6.1943 cụ Miến qua đời. Phần mộ được an táng tại xứ Trường An, xã Phong Thu, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế

Trả lời