Nhà thờ họ Lê Văn

Nhà thờ họ Lê Văn

làng Mỹ Xuyên, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

Thờ cúng ông bà là một bổn phận, trách nhiệm trọng đại đặc thù của người Việt Nam. Trong quảng đại quần chúng xưa nay, người ta thường nói “đạo thờ ông bà” là một tín ngưỡng sâu sắc nhưng nó không phải là một tôn giáo bởi lẽ thờ cúng ông bà là một trách nhiệm có tính luân lý, sự biểu lộ tình cảm và lòng tin vào huyết thống được thể hiện trong môi trường gia tộc, không có tính cách thần thánh hóa, được xuất phát từ tấm lòng của người sống, thế hệ sau đối với người đã chết, thế hệ trước…

Dòng họ Lê văn là một dòng họ có mặt sớm và đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành làng Mỹ Xuyên. Trải qua hơn 400 năm đến khai hoang lập nghiệp (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX). Từ việc ông Xã gánh Lê Cá sau khi vào đây sinh sống một thời gian đã trở về Bắc đưa hài cốt thân phụ là ông Lê Đại Sĩ vào an táng tại vùng đất tốt của làng và tôn làm thủy tổ rồi đến việc xây dựng đình tự, miếu vũ…đã cho chúng ta thấy rõ hơn tấm lòng hiếu nghĩa đối với ông bà tổ tiên cha mẹ của những người dân ở đây trong buổi đầu khai hoang, mở nước.

Nhưng do điều kiện phát triển kinh tế xã hội lúc bấy giờ, các đình tự, miếu vũ…chỉ dừng lại mức độ là những ngôi nhà tranh tre nứa lá. Dưới sự tác động khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu dải đất miền Trung, cộng thêm vào đó là sự thiếu ổn định về mặt xã hội bởi nhiều cuộc chiến tranh cướp bóc, tàn phá của các tập đoàn phong kiến, các đình tự, miếu vũ hầu như bị xóa sạch.

Mãi đến thế kỷ XIX, khi tình hình xã hội trong nước đã khá ổn định, nền kinh tế bắt đầu có chiều hướng phát triển, việc tái thiết đất nước được đặt lên nhiệm vụ hàng đầu ở chốn cung đình thì ở dân gian ý thức về cội nguồn cũng được trỗi dậy. Điều này được lý giải bởi sự ra đời hàng loạt công trình kiến trúc xây dựng từ chốn hoàng tộc đến các làng quê. Nhà thờ họ Lê Văn cũng nằm chung trong quỹ đạo đó.

Nhà thờ họ Lê văn được xây dựng vào năm 1881 (Tự Đức thứ 34) là sự kế tiếp những ngôi nhà tranh này thời trước. Nhà thờ họ Lê Văn nằm ở vị trí trung tâm làng Mỹ Xuyên, mặt quay về hướng Nam, trên một gò đất cao, bằng phẳng, kết cấu xây dựng gồm 3 gian 2 chái, diện tích 160m2. Tất cả hệ thống cột, kèo, đòn tay…đều bằng gỗ, được các nghệ nhân là những con dân của dòng họ chạm khắc một cách công phu. Trải qua hai lần trùng tu sửa chữa (lần thứ nhất vào năm 1938 và lần thứ hai vào năm 1961) nhưng cho đến nay, những giá trị về mặt kiến trúc ban đầu vẫn không có gì thay đổi. Có thể nói rằng đây là nơi hội tụ và bảo lưu những tinh hoa truyền thống về nghề chạm khắc của làng Mỹ Xuyên vào cuối thế kỷ XIX

Nhà thờ họ Lê Văn còn là biểu tượng về sức mạnh, đời sống văn hóa của một dòng họ, là ngôi nhà chung liên kết mọi thành viên của cộng đồng ngay từ những ngày đầu từ bỏ quê hương đến đây khai phá xây dựng nên làng mới. Nhờ vậy mà sự đoàn kết mọi thành viên trong cộng đồng dựa trên cơ sở huyết tộc được phát huy và gìn giữ như một nếp sống truyền thống quý báu của con người vùng đất trải qua hàng ngàn năm lịch sử.

Trả lời