Lễ hội tưởng nhớ danh nhân lịch sử: bà Trần Thị Đạo
Ở làng Thanh Thủy, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, cách trung tâm Huế 8 cây số, có một cái cầu ngói đã đi vào ca dao địa phương:
“Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui”
Lại có câu:
“Ai về cầu ngói Dã Lê
Cho em về với thăm quê bên chồng”
Cầu ngói Thanh Toàn ở làng Thanh Toàn, nhưng Toàn là tên húy của vua Thiệu Trị, cho nên vào năm 1841, sau khi vua lên ngôi, triều đình nhà Nguyễn đã cấm dùng chữ “Toàn” bắt đầu đổi tên Thanh Toàn thành Thanh Thủy.
Làng Thanh Toàn được lập vào thời chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613) khi chúa vào trấn đất Thuận Hóa. Các vị tộc trưởng của làng theo chân chúa đã đi vào khai hoang lập ấp. Người cháu nội 5 đời của một trong những vị khai canh họ Trần Duy là bà Trần Thị Đạo, kết hôn với một vị quan lớn triều Lê, được phong tước hầu. Nhưng bà không có con. Để cầu tự, người mệnh phụ ấy có hảo tâm bỏ tiền ra xây dựng chiếc cầu bắc qua con hói trong làng mình, tạo phương tiện cho dân qua lại. Cầu làm theo kiểu “thượng gia hạ kiều”; mái lợp ngói. “Năm 1776, vua Lê Hiển Tông đã ban tặng cho dân làng nhiều thứ sưu dịch. Trong tờ sắc phong có nói (…)
“Sắc phong này là để biểu tỏ những lời khen ngợi của triều đình đối với người đã cho xây dựng chiếc cầu ấy, và để khuyến khích những người khác noi theo tính hào hiệp của bà. Làng nên sung sướng và tự hào là nơi nguyên quán của vị phu nhân này”.
Đến năm 1925, vua Khải Định cũng đã truy tặng cho bà tước vị: “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù” và hạ lệnh cho dân làng phải làm lại cho bà một bàn thờ để bà hộ trì cho dân chúng.
Do công đức của Bà, hằng năm dân địa phương tổ chức cúng Bà vào hai ngày 15 và 16 tháng 8 âm lịch. Ngày 16 tháng 8 là ngày chánh lễ hội.