Chợ Đông Ba

Chỉ đường

Chợ Đông Ba

Giờ mở cửa: 05:00 AM - 22:00

Đông Ba, một trong những ngôi chợ lớn nhất Huế, là một tòa nhà chợ rộng lớn với hàng trăm sạp hàng dọc những lối đi hẹp. Có lịch sử hình thành từ thời vua Đồng Khánh, ngôi nhà chợ ngày nay buôn bán đủ mọi mặt hàng từ quần áo, giày dép, đồ gia dụng, đến thức ăn. Nhưng hầu hết khách du lịch tìm đến chợ để tham quan hơn là mua sắm thật sự. Chợ Đông Ba nằm dọc theo bờ Bắc sông Hương, bên đường Trần Hưng Đạo, tuyến đường huyết mạch của thành phố Huế.

Chợ Đông Ba ngày nay

Đi cùng năm tháng lịch sử

Trước khi có chợ Ðông Ba, bên ngoài cửa Chánh Ðông (cửa Ðông Ba theo cách gọi dân gian) dưới thời Gia Long có một chợ lớn mang tên “Quy Giả thị” (Chợ cho những người trở về). Tên chợ đánh dấu sự kiện trở lại Phú Xuân của quan quân nhà Nguyễn. Theo sử sách, sau khi chợ Quy Giả bị đốt sạch, vua Đồng Khánh cho xây dựng chợ Đông Ba năm 1877. Đến 1899 vua Thành Thái cho xây dựng lại tại vị trí như hiện nay, lấy tên cũ là Đông Ba, đánh dấu bước phát trển mới của chợ. Năm 1967 chính quyền Sài Gòn cho phá chợ cũ và dựng lại theo kiến trúc nhưng thi công dở dang thì dừng lại. Sau ngày thống nhất đất nước, chợ được nâng cấp cải tạo lại với quy mô như hiện nay. Chợ ban đầu có tên là “Đông Hoa” do gần cửa Chánh Đông, tuy nhiên do kiêng húy bà Hồ Thị Hoa – mẹ vua Thiệu Trị nên Đông Hoa đổi tên thành một âm có cùng chữ viết là “Đông Ba”.

Trải qua hơn 100 năm, chợ vẫn tồn tại gắn liền với nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước. Không chỉ là nơi bán buôn huyên náo, chợ còn chứa đựng nhiều giá trị văn hoá, tinh thần của người dân đất Cố đô.

Chợ Đông Ba lúc bấy giờ gồm 4 dãy lầu đúc bằng mái, xếp thành một hình vuông… (ảnh tư liệu)

Nguyên vẹn nét văn hóa cổ xưa

“Đông Ba vẫn đó người ơi

Bên bờ Hương ngóng phương trời xa xăm

Thuyền xuôi Đập Đá thong dong

Mấy o áo trắng còn mong ai về…”

Trải qua hàng trăm năm với sự thách thức của lịch sử và thời đại, chợ Đông Ba vẫn đứng vẹn nguyên bên dòng sông Hương hữu tình. Ở thời kỳ hội nhập và phát triển, những siêu thị, trung tâm mua sắm sang trọng tiện ích dày đặc khắp các nẻo đường. Thế nhưng, chợ Đông Ba vẫn mặc định một vị trí rất riêng trong tâm khảm của mỗi người con xứ Huế mà chẳng một một nếp sống tiện nghi nào thay thế được. Dì Trinh – người gắn bó với gian hàng bán đặc sẳn Huế chia sẻ: “Dì bán ở đây được 26 năm rồi. Chợ tuy có thay đổi so với ngày xưa nhưng vẫn giữ được nét hoài cổ, cho nên ai đến chợ Đông Ba cũng thích vì cái nét cổ xưa. Bởi vậy họ nói đến Huế là phải đến chợ Đông Ba”.

Gian hàng này là một món tài sản tinh thần rất lớn đối với dì Trinh- một tiểu thương lâu năm ở chợ Đông Ba

Đông Ba mang trong mình một nét duyên dáng, mộc mạc đến lạ. Dù trời đất có ngả nghiêng, có thay đổi như thế nào thì nơi đây vẫn mãi giữ cho mình một nét cổ xưa. Hình ảnh chợ Đông Ba không biết tự bao giờ đã trở thành một biểu tượng, một nét đặc trưng cho xứ Huế. Chú Khôi – thợ bán và sửa đồng hồ ở chợ chia sẻ: Chú kinh doanh ở Đông Ba đã 32 năm, trong khoảng thời gian ở đây chợ có nhiều thăng trầm. Năm 1985 chợ đã được xây dựng lại, khang trang hơn, đẹp hơn chợ cũ . Chị em tiểu thương ở đây buôn bán nhưng rất tình cảm. Chợ mình rất giàu truyền thống quá!”

Chợ Đông Ba là ngôi chợ của cư dân địa phương hơn là chợ phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, trong chợ có vài sạp bán những sản phẩm thủ công truyền thống hoặc quà lưu niệm và đây có thể là lựa chọn phù hợp cho du khách.

Có thể tìm thấy trong chợ Đông Ba bất kì một “làng nghề thu nhỏ” nào…

Một góc khác ở chợ bán những mặt hàng gia dụng cần thiết


Nói đến đặc sản Huế không thể không nhắc đến mắm ruốc, tôm chua…

Chợ Đông Ba theo thời gian, hàng hóa phong phú, chất lượng đa dạng, giá cả phải chăng. Tầng một của chợ bán nhiều mặt hàng tổng hợp như phụ kiện, mỹ phẩm, giầy dép, túi xách…; tầng hai bán quần áo may sẵn, vải vóc… Nơi đây dù đặc thù là một cái chợ chuyên bán buôn giá rẻ để cạnh tranh với những nơi cung cấp hàng hóa khác nhưng không phải vì thế mà chợ vắng khách; luôn có sự mua bán nhộn nhịp ở đây, nhất là vào dịp cuối tuần; bãi gửi xe của chợ lúc nào cũng chật cứng.

Góc nhìn từ lầu trên của chợ

Một quầy hàng băng đĩa còn sót lại ở cổng chợ


Xích lô là một nét không thể thiếu ở chợ Đông Ba

“Dù ai đi ngược về xuôi

Dừng chân ghé lại Đông Ba chợ mình”

Mặc cho nhịp thời gian vẫn chảy trôi, chợ từ hơn 100 năm qua vẫn sống động với từng dấu mốc lịch sử và tấp nập với những kẻ bán người mua. Không chỉ là nơi buôn bán huyên náo, nhộn nhịp nhất Cố đô, chợ Đông Ba còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, tinh thần phản ánh cuộc sống, sinh hoạt của người dân Cố đô xưa và cũng là điểm đến không thể thiếu của mỗi du khách khi dừng chân ở Huế.

Uyên Nhi

 

Trả lời